Tuesday, April 22, 2014

Đưa âm nhạc dân tộc vào trường - Món quà tâm hồn vô giá

(VOH) - Dự án đưa âm nhạc dân tộc vào các trường tiểu học là một việc làm vô cùng ý nghĩa của những người đang hoạt động ở lĩnh vực này.
 

Nếu có thể biến âm nhạc dân tộc, trong đó có việc tìm hiểu các nhạc cụ, dân ca, hò lý, tài tử cải lương… thành một niềm yêu thích của các em nhỏ thì sự mong mỏi một thế hệ nghệ sĩ và lớp khán giả kế thừa là việc cần làm.

>>>Đàn organ XY 330 ,học đàn organ điện tử thật là tuyệt

Đưa âm nhạc dân tộc vào trường - Món quà tâm hồn vô giá
Đưa âm nhạc dân tộc vào trường - Món quà tâm hồn vô giá

Đưa âm nhạc dân tộc vào trường - Món quà tâm hồn vô giá 
Chính từ những niềm trăn trở, ấp ủ đó mà một dự án mang tên “Giai điệu quê hương” do Nhạc viện TPHCM phối hợp cùng Đoàn khối Bộ VHTTDL thực hiện đã ra đời dù rào cản về mặt kinh phí, con người là không nhỏ. 
Để dự án có thể đưa vào triển khai một cách thuận lợi như thế, Đoàn thanh niên Nhạc viện TPHCM đã ấp ủ kế hoạch suốt nhiều năm trời và bằng bao tâm huyết của nhiều lớp đoàn viên để góp phần hoàn thiện đề án. Phấn khởi với thành công bước đầu, Thạc sĩ Mai Thanh Sơn – Trưởng Ban Đối ngoại Nhạc viện TPHCM – Ban cố vấn dự án cho biết:

 “Ban đầu khi viết dự án này trên văn bản giấy tờ thì mới cách đây vài tháng thôi nhưng công việc này chúng tôi đã giới thiệu đến các em nhiều năm nay. Vậy nên khi có chỉ đạo của Bộ, giới thiệu cho các em có quan điểm rất rõ ràng rằng, sự nghiệp phát triển âm nhạc dân tộc của Việt Nam sẽ nằm ở tất cả mọi người. Nhưng chúng ta phải tập trung vào các bạn trẻ, vì các em là tương lai rất gần rồi, 10 – 15 năm nữa thì các em đã là những người chủ của tương lai. Nên cần giúp các em nắm được rõ, có định hướng nhất định về tính dân tộc.
Đây không chỉ là âm nhạc mà còn là tinh thần của dân tộc, của đất nước”.
Quả thực, âm nhạc có sức hấp dẫn đáng kinh ngạc và sự cảm thụ nghệ thuật hoàn toàn không có ranh giới cho tuổi tác. Cô Võ Thị Lan Hương - Tổng phụ trách Đội trường tiểu học Trang Tấn Khương cũng lấy làm ngạc nhiên khi thấy các trò không những thích thú mà còn nhận biết được nhiều nhạc cụ: “Các em rất thích thú với các tiết mục các anh đó biểu diễn. 

Các em coi rất là mê, rất là thích. Sau buổi diễn, các em cũng thích học các loại nhạc cụ đó nhưng mà hiện tại thì trường cũng chưa có để dạy. Các em muốn được xem lại nhiều lần nữa. Bây giờ trường cũng có trang bị một vài loại nhạc cụ dân tộc. Nhưng khó khăn lớn nhất là trường không có giáo viên biết và hướng dẫn lại, dạy cho các em học sinh".

Gọn nhẹ, đơn giản và dễ hiểu với phương thức lan truyền cảm hứng âm nhạc đến các em là phương châm mà “Giai điệu quê hương” hướng đến. Chính vì lẽ đó mà các em nhỏ đã đón nhận chương trình một cách vui vẻ, hào hứng, mỗi em mỗi cách khác nhau: “Con rất thích nghe cô chú đó đàn, đàn nghe rất hay.


 Con biết thêm được đàn Tranh, đàn T'rưng, trống, sáo, đàn bầu. Trước đây con cũng có biết về đàn Tranh. Con ước là một ngày nào đó các cô chú đem về cho trường con những nhạc cụ dân tộc khác nữa để con được nghe thêm. Con thấy rất là hay, các cô chú đánh đàn rất là êm, giống như mình đang chơi chứ không phải là mình đang học, con cảm thấy rất thoải mái.”

Bên cạnh sức trẻ và nhiệt huyết của các bạn Đoàn viên tham gia biểu diễn, thuyết trình, dự án còn nhận được sự góp sức nhiệt tình của nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu về âm nhạc dân tộc như Thạc sĩ nhạc sĩ Huỳnh Khải, Thạc sĩ nhạc sĩ Hải Phượng, Nhạc sĩ Đức Dậu…

Thuận lợi về mặt con người nhưng dự án còn chưa thể triển khai sâu rộng trên địa bàn thành phố nói riêng và các khu vực lân cận nói chung vì nguồn kinh phí khá eo hẹp. Để có một chương trình trong 1 giờ đồng hồ, phải tốn từ 3 đến 4 triệu đồng – đó là còn chưa kể đến nhiều chi phí khác. Nói về vấn đề này, anh Hoàng Linh – Cán bộ Đoàn khối Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, đơn vị đồng phối hợp thực hiện dự án nói thêm: “Cái khó khăn của mình là hiện nay dự án cũng mới triển khai, kinh phí lúc đầu cũng chưa có, hầu như là phải xin hỗ trợ. 


Tại vì khi vận chuyển nhạc cụ đến địa điểm biểu diễn thì phải tốn chi phí vận chuyển. Việc này bên Đoàn Khối đã xin sự hỗ trợ của các trường. Còn nếu như các trường cũng khó khăn thì xin sự hỗ trợ của Huyện, Đảng ủy của Khối hoặc của các đơn vị khác cùng chung tay. Đó là phần kinh phí, cái thứ hai nữa là vấn đề thời gian. Các bạn ở đây đa phần là sinh viên, cũng đang đi học, các bạn phải sắp xếp thời gian đi học rồi đi làm thêm và thời gian biểu diễn phục vụ cộng đồng. Vì các trường được phục vụ không phải đóng bất cứ chi phí nào cả”.

Một nỗi lo khác cũng quan trọng không kém đó là sự nhận thức về việc cho các em học sinh hiểu thêm về âm nhạc truyền thống của dân tộc của các trường còn chưa sâu, hầu như các trường chỉ tập trung dạy đàn Organ chứ chưa mặn với âm nhạc dân tộc. Anh Phan Hồng Quang – Trưởng dự án, Bí thư đoàn Nhạc Viện TPHCM cho rằng, khi bắt tay vào thực hiện dự án, mọi người còn có ý định biến chương trình thành một tiết học chính quy chứ không chỉ dừng lại là một tiết học ngoại khóa, nhưng khi đã làm mới thấy có quá nhiều cái khó không lường trước được. 


“Hiện nay, các trường hầu hết chỉ có dạy Organ thôi chứ không có dạy nhạc cụ dân tộc, người ta chưa hiểu hết được tầm quan trọng của âm nhạc truyền thống của mình đưa đến lứa tuổi trẻ. Ở nước ngoài, người ta giới thiệu với ình các bạn trẻ, ví dụ như ở Trung Quốc thì các bạn trẻ đàn Tranh, ở Hàn Quốc cũng có loại trống truyền thống. Ở mình thì đa số chỉ biết Organ thôi. Nhận thức của giáo viên ở các trường tiểu học cũng chưa thiên về hướng đó nên thành ra cũng có rắc rối như vậy”.

Chương trình “Giai điệu quê hương” trong đề án “Đưa âm nhạc dân tộc vào học đường” đã thể hiện rõ sứ mệnh của mình trong giai đoạn đầu tiếp cận với học đường. Mong mỏi gửi gắm vào đề án này là làm sao để có thể đào tạo được một thế hệ khán giả cho chính mình và xa hơn là đưa âm nhạc dân tộc hòa vào mạch nguồn của đời sống như nhận định của Thạc sĩ – nhạc sĩ Huỳnh Khải – Giảng viên, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc và tài tử cải lương và của nghệ sĩ Đức Dậu, những người đầy lửa nhiệt tình trong những chương trình thiết thực như thế này.


 “Theo tôi thì bây giờ mình nên đi trước một bước, tức là phải giới thiệu chuyên đề, phải giới thiệu tới các trường tiểu học, các trường trung học để các em nhìn thấy khái quát diện mạo đó, và nó sống đời sống thế nào. Mình giới thiệu những bài ca gần gũi với công chúng để có tính phổ quát, các em sẽ có một khái niệm trước. Còn nếu bước vào chương trình để giảng dạy chính quy, môn bắt buộc thì cần đòi khỏi rất nhiều khâu. Ví dụ như khâu đầu tiên là khâu soạn giáo trình, kèm theo sách phải có bộ đĩa nghe, và bước thứ ba là phải tìm đến các lớp tập huấn ngắn hạn để rồi từ đó mới dạy xuống cho các lớp được. 

Chứ còn nếu chỉ có một số nghệ nhân đờn ca tài tử thì sẽ không đủ lực lượng để quản lí hết, dạy hết các trường tiểu học”. Còn nghệ sĩ Đức Dậu thì: “Âm nhạc dân tộc đưa vào thì đến ngày hôm nay các cháu rất thích. Âm nhạc của mình ngọt ngào trong sáng, rất đậm đặc. Phong cách biểu diễn phải rất linh hoạt, mạnh mẽ, phải có phong cách chứ không phải chỉ ngồi một chỗ đánh. Không có biểu cảm thì dẫn đến các cháu coi không thích”.

Việc đưa âm nhạc dân tộc vào giảng dạy tại các trường học sẽ có không ít khó khăn nhưng không có nghĩa là không làm được. Nếu tìm được tiếng nói chung đồng điệu, có sự chung tay góp sức của nhiều người, nhiều nhà quản lý ở lĩnh vực này, thiết nghĩ dự án này sẽ còn đi xa và lan truyền rộng khắp.

Âm nhạc dân tộc là vốn quý tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam với nhiều ngàn năm lịch sử tồn tại và phát triển. trong quá trình hội nhập và quốc tế hóa kinh tế của đất nước, nhiều loại hình nghệ thuật đang căng sức, cạnh tranh từng ngày để tìm một chỗ đứng ưu thế nhất trong lòng công chúng. 


Dĩ nhiên văn hóa truyền thống trong đó đặc biệt là âm nhạc cổ truyền của dân tộc dẫu đang đứng trước những nguy cơ và thách thức lớn, nhưng từ sâu thẳm, trong tâm khảm mỗi con người Việt Nam vẫn dành những vị trí trang trọng nhất cho quốc hồn quốc túy của dân tộc. Hy vọng đề án “Đưa âm nhạc dân tộc vào học đường” có thể góp phần nhỏ vào công cuộc chung của xã hội để duy trì và phát huy những tinh hoa giá trị của nền âm nhạc, nghệ thuật truyền thống.
Ngọc Thu - Kim Ngân
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 comments

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2011 Đàn organ cho bé, đàn organ trẻ em - Bán, tư vấn mua, cách chơi đàn
Designed by Blog Thiet Ke
Posts RSSComments RSS
Back to top